TRANG CHỦ TIN TỨC

TRƯỜNG TEEN 2019: BẠN ĐÃ BIẾT VỀ TÍNH ĐỒNG ĐỘI TRONG THI ĐẤU TRANH BIỆN?

TRƯỜNG TEEN 2019: BẠN ĐÃ BIẾT VỀ TÍNH ĐỒNG ĐỘI TRONG THI ĐẤU TRANH BIỆN? - 31/10/2019

Nếu bạn là một khán giả yêu thích chương trình Trường Teen và quan tâm đến tranh biện thì đừng bỏ lỡ bài chia sẻ rất bổ ích của giám khảo Trường Teen - Nguyễn Ngọc Tú Uyên về yếu tố rất quan trọng trong bộ môn này - Tính đồng đội!

 

Một mùa giải nữa của Trường Teen đã khép lại, để lại cho khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc không chỉ về các thí sinh của mùa giải 2019, mà còn là các trận tranh biện đang ngày càng hấp dẫn và kịch tính giữa các đội. Đặc biệt ở mùa giải 2019, sự xuất sắc vượt bậc của một số cá nhân như Minh Anh, Thế Phương, Khánh Trang,.. đã thu hút một lượng lớn khán giả quan tâm đến chương trình Trường Teen nói riêng và bộ môn tranh biện nói chung. Nhiều khán giả khi xem chương trình đã không giấu nổi sự tiếc nuối khi các đội thi của một số thí sinh nổi bật trên phải dừng chân.

 

Có thể nói, thông qua sức hút của các bạn thí sinh, tranh biện đã và đang trở nên phổ biến hơn cả. Tuy vậy, đây vẫn còn là bộ môn còn khá mới mẻ với phần đông khán giả đại chúng hiện nay. Và khi chương trình Trường Teen nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả thì những thắc mắc về tranh biện được gửi về cho ekip sản xuất cũng trở nên nhiều hơn cả. 

 

Để hiểu thêm về tranh biện, đặc biệt là yếu tố rất quan trọng trong bộ môn này - tính đồng đội, hãy cùng dành thời gian để đọc những chia sẻ của Nguyễn Ngọc Tú Uyên, giám khảo 4 mùa Trường Teen. Đồng thời chị Uyên cũng là một huấn luyện viên tranh biện chuyên nghiệp, và là Top 20 Nhà tranh biện trẻ châu Á năm 2018.

Giám khảo Trường Teen - Nguyễn Ngọc Tú Uyên đã có 4 năm kinh nghiệm đồng hành với chương trình.

 

“Trước hết, lí do mình viết bài này là vì sau nhiều năm gắn bó và tích lũy những bài học từ Trường Teen, mình nghĩ những chia sẻ sau đây sẽ giúp người đọc hiểu hơn về tinh thần cuộc thi và một trong những nguyên tắc quyết định mà mình đề cao: tính đồng đội. 

 

Trong mùa giải năm nay, mình được nghe rất nhiều học sinh, bạn bè và đồng nghiệp chia sẻ quan điểm và sự quan tâm đến chương trình. Quả thực, lúc nhận lời tham gia cố vấn và đồng hành cùng chương trình từ năm 2015, mình không ngờ bốn năm sau, những ý tưởng của nhóm chúng mình trước kia đã vươn xa và có nhiều tác động đến như vậy. Từ một bộ môn ít người biết hay quan tâm đến, Trường Teen ngày nay đã làm được nhiệm vụ mang tranh biện đến với nhiều người và đặc biệt là những bạn học sinh đang cần nhiều cơ hội phát triển tư duy và rèn luyện nghệ thuật trình bày. Mình tin rằng, mục tiêu tiếp theo của chúng mình, những người xây dựng chương trình, chính là đưa những giá trị của tranh biện ra ánh sáng và giúp mọi người có cái nhìn hoàn thiện hơn một chút về bộ môn này. 

Số lượng thí sinh casting mùa giải 2019 tăng vượt bậc.

 

Thực ra, trong tranh biện có rất nhiều giá trị hay (tư duy tiến bộ, không ngại va chạm, trung thực và dũng cảm phát biểu, sáng tạo, v.v..) nhưng trong bài này, mình sẽ bàn về yếu tố thường bị lướt nhanh nhưng lại chiếm vị trí then chốt: TINH THẦN ĐỒNG ĐỘI. 

 

Nói theo lí thuyết, tinh thần đồng đội là yếu tố quan trọng mọi người ít ai phủ nhận, cũng không cần dông dài, mọi người cũng hiểu ở lứa tuổi thiếu niên, các bạn trẻ sẽ có lợi ích như thế nào nếu hiểu và ứng dụng được điều này. Đặc biệt trong tranh biện, tính hợp tác của đội là một trong những yếu tố tối quan trọng. Khi làm huấn luyện viên, ngoài việc dạy kỹ năng, kiến thức cho học sinh thì mình luôn nhắc nhở các bạn trong đội một điều: đội mạnh không phải là đội có những cá nhân mạnh nhất, mà là đội dám cùng tiến, cùng lùi với nhau. Bài học này xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của chính mình, trong những năm tham gia thi đấu tranh biện, nếu không có những người đồng đội như Vũ Anh Tuấn (VAT) hay Marvin Long Đỗ thì mình cũng không có cơ hội tiếp cận với tranh biện như ngày hôm nay. 

 

Ở giữa những sàn thi đấu quốc tế rộng lớn, 3 người, hay đôi khi chỉ có 2 người phải dựa vào nhau, chăm sóc lẫn nhau và đặc biệt phải tin tưởng nhau. Số lần thất bại của chúng mình vượt xa số lần thành công, nhưng dù kết quả ra sao thì những bài học về tinh thần đồng đội luôn là giá trị đặc biệt nhất. Khi cố vấn cho Trường Teen, chúng mình đã lồng ghép tư tưởng này vào các đề thi đấu (“Nếu được chọn, chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra vào năm 2050, sẽ chọn một thế giới mà mọi người đều tin rằng theo đuổi mục tiêu tập thể quan trọng hơn theo đuổi mục tiêu cá nhân.”, v.v..), cũng như khi đào tạo các đội. 

 

Một điều bản thân mình quan sát được là các đội có tinh thần đồng đội thấp, thiếu liên kết sẽ thường dừng chân sớm hơn hẳn những đội gắn bó với nhau, cũng như giữa hai đội trong một vòng, đội có tính bền chặt hơn thường giành lợi thế. Xét theo góc độ trong tranh biện, tinh thần đồng đội cũng được chấm điểm, là một trong những yếu tố trong Chiến thuật và Nội dung. Cụ thể, điểm nói của một thí sinh có thể tăng (hoặc giảm) do khả năng bổ sung, khâu vá, bảo vệ hay phát triển ý tưởng của đội mình. Nếu đồng đội nói thiếu ý, hay trình bày có lỗ hổng, bạn phải sửa lỗi. Nếu đồng đội bị phản biện, bạn phải bảo vệ. Nếu đồng đội có ý tốt, bạn phải phát triển, mở rộng và đề cao. Ngược lại, không làm hay làm chưa tốt sẽ dẫn đến kết quả tiêu cực cho đội. 

 

Nói thêm về chiến thuật đội, không phải nói tốt phần mình là đủ. Tuy mỗi bài nói chỉ được trình bày bởi một thành viên nhưng nó cũng là kết tinh của cả đội vì xuyên suốt trận đấu, các thành viên liên tục chia sẻ ý tưởng và thông tin, tư liệu cùng nhau. Đặc biệt là bài nói thứ nhất, đây là bài nói có sự chuẩn bị đầy đủ và công phu nhất, nên sự ăn ý của các thành viên sẽ dễ dàng được thể hiện rõ ràng. Ở bài nói thứ hai, các bạn có thêm trách nhiệm phản biện, nhưng thực ra các thí sinh đều được dạy cần tích cực gửi phản biện cho nhau. Thậm chí người 1 sau khi về chỗ sẽ chuyển sang nhiệm vụ viết phản biện và chuyền cho người 2 để đảm bảo không sót ý. 

 

Đối với các đội có đầu tư, các bạn trong thời gian chuẩn bị còn đưa hẳn phần pre-empt (dự đoán phản biện và dàn bài của đối phương để đưa ra trước phản biện cho đội mình) cho người 3 đảm trách. Đến trước lượt nói của người 3, cả người 1 và người 2 lúc này sẽ tập trung dò và đưa ra phản biện, củng cố, phát triển và chuyền cho người 3, để người 3 tập trung so sánh, đánh giá trận đấu và chứng minh ưu thế. Lượt phản hồi cũng được đầu tư tương tự. Vì vậy, nếu một đội thực sự mạnh thì không nhất thiết cần có thành viên mạnh, mà như mình đã chia sẻ, các bạn phải làm việc nhịp nhàng và hỗ trợ nhau hết mình. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua các bài nói nếu bạn để ý kĩ. Thông thường những vấn đề như sót phản biện, ý không được phát triển tốt, thiếu so sánh chính là những bằng chứng của việc làm việc nhóm chưa tốt. Đây chỉ là ví dụ về một chuyện nhỏ là phối hợp trong thi đấu, còn phối hợp trong lúc luyện tập, chuẩn bị, phân chia vai trò nói, ngôn ngữ, ký hiệu với đồng đội, v.v.. cũng là những yếu tố tối quan trọng. 

 

Tuy lời nói thì dễ nghe nhưng để thực hiện tốt rất nhiều thời gian và công sức. Thông thường theo quan sát và kinh nghiệm của mình, ở Việt Nam, nếu các thành viên đã thân thiết sẵn với nhau, ít thì mất 1 năm với cường độ luyện tập gần như hàng tuần, thử thách trong nhiều giải lớn nhỏ, mới làm quen với cách làm việc và thống nhất được với nhau về vai trò, chứ chưa dám nói đến là thành thục. Chính vì thế, trong một chương trình từ casting đến quay hình là vài tháng, thật sự là một chướng ngại lớn đối với các bạn học sinh của Trường Teen.

 

Đương nhiên, cái hay của những chướng ngại là chúng sẽ giúp tìm ra những đội hình mạnh và mình rất hài lòng với sự thích nghi và làm việc nhóm tốt của nhiều đội của Trường Teen năm nay. Con đường các em sẽ đi còn rất dài, Trường Teen chỉ là sân chơi nhỏ bé đầu tiên, là bệ phóng thứ nhất để các em có cơ hội học tập và trải nghiệm, nên dù thắng hay thua, quan trọng là học được điều gì. Các đội về sau có thể có những cá nhân xuất sắc đi những con đường riêng của mình, nhưng đối với bản thân mình, một trong những ý nghĩa mà Trường Teen mang lại cho các bạn chính là những ngày tháng cùng học, cùng cười, cùng khóc, cùng trải qua áp lực và sự nghiêm khắc để tìm ra những người bạn sẽ đồng hành cùng mình trong chặng đường sắp tới và để hiểu nỗ lực xây dựng một đội khỏe, không chỉ cần một thành viên. 

 

Hy vọng, với những chia sẻ này của Giám khảo - Huấn luyện viên tranh biện chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Tú Uyên, các khán giả của Trường Teen sẽ hiểu thêm về tranh biện, cũng như những yếu tố cần thiết về bộ môn này. Đừng quên tiếp tục ủng hộ Trường Teen các mùa tiếp theo và theo dõi lại các mùa giải trên kênh Youtube VTV7.