TRANG CHỦ TIN TỨC

TRƯỜNG TEEN 2019 TRẬN 4: CÓ NÊN LIỆT NGHIỆN GAME VÀO MỘT DẠNG BỆNH RỐI LOẠN TÂM LÝ?

TRƯỜNG TEEN 2019 TRẬN 4: CÓ NÊN LIỆT NGHIỆN GAME VÀO MỘT DẠNG BỆNH RỐI LOẠN TÂM LÝ? - 07/08/2019

Đến với Trường Teen 2019 trận 4 tiếp tục là một trận đấu căng thẳng giữa hai đội đến từ THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) và THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) với kiến nghị: Chúng tôi phản đối việc WHO liệt nghiện game một dạng bệnh rối loạn tâm lý.

 

Chơi game là một hình thức giải trí gần gũi và quen thuộc với không chỉ với học sinh, sinh viên mà còn là người trẻ nói chung, đặc biệt khi ngày nay hàng ngày, hàng giờ các bạn được tiếp cận với những công nghệ game tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

 

Tuy nhiên, mới đây vào tháng 5/2019, WHO - Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức bổ sung “nghiện game” vào danh sách bệnh rối loạn tâm lý. Thông tin này đã gây ra không ít tranh cãi trong giới trẻ với nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng người chơi game cũng có nhiều mức độ đam mê khác nhau. Đây cũng chính là cơ sở cho kiến nghị trận thứ 4 của Trường Teen 2019: Chúng tôi phản đối việc WHO liệt nghiện game vào một dạng bệnh rối loạn tâm lý.

Trong trận này, 3 cô gái đến từ THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) đóng vai trò đội ủng hộ kiến nghị, còn đội THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) là đội phản đối.

Ở lượt thi đấu đầu tiên, do còn nhiều bỡ ngỡ và chưa quen với nhịp độ của chương trình, 2 thí sinh mở đầu trận đấu còn khá run và “cứng” trong bài nói của mình.

THPT Hòn Gai (Quảng Ninh)

Minh Huyền (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) từ đội ủng hộ đã đưa ra những hiểu biết về tổ chức WHO, định nghĩa nghiện game cùng những số liệu thống kê cụ thể về thực trạng nghiện game, từ đó đi đến khẳng định: Việc liệt nghiện game là một bệnh tâm lý là một hành động không đủ căn cứ và không chính đáng. “Đặt trong bối cảnh ngày nay, thế giới có 2,6 tỷ người chơi game và thị trường chơi game đang ngày càng màu mỡ, đóng góp một con số đáng mơ ước cho nền kinh tế thì chúng tôi ở đây với một mục tiêu muốn đảm bảo rằng mọi người xung quanh phải có cái nhìn đúng đắn, cư xử đúng mực và không định kiến đối với những người yêu thích chơi game.” 

THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái)

Còn Hải Hiệp, đến từ THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) với phần trình bày ngắn gọn, mạch lạc đi thẳng vào mục tiêu của trận tranh biện, đưa ra những ví dụ thực tế về hậu quả của nghiện game với sức khỏe: “Về sức khỏe tinh thần, nghiện game sẽ gây cho họ một tâm lý ảo tưởng ví dụ như khi người ta chơi game quá chú trọng vào game, chìm đắm vào thế giới ảo của game họ sẽ dần hình thành những ý tưởng hành vi như trong game đem thế giới ảo trong game ra ngoài đời thực.”, tất cả để làm sáng tỏ luận điểm: nghiện game để lại hậu quả nghiêm trọng và việc liệt game vào một căn bệnh rối loạn tâm lý sẽ góp phần giải quyết hậu quả đó. Với phần trình bày trên, Hải Hiệp đã thuyết phục được giám khảo Chí HiếuMinh Vũ để giành về 20 điểm đầu tiên cho phe phản đối.

Đến lượt đấu thứ hai, nhịp độ trận đấu đã thay đổi nhanh chóng với mức độ kịch tính được đẩy mạnh. Thùy Vân từ đội ủng hộ đã mở đầu phần trình bày của mình bằng cách đưa ra dẫn chứng: “Việc liệt đồng tính luyến ái vào một loại bệnh là do góc nhìn hạn hẹp của WHO 30 năm trước và hiện tại họ đang bước đi trên cái vết xe đổ của mình bằng cách tiếp tục tự gói mình vào cái nhìn hạn hẹp đó.” Đồng thời, Thùy Vân cũng lật lại vấn đề bằng cách đưa ra câu hỏi từ lượt trước: “Tại sao lại phản đối việc WHO liệt nghiện game vào một căn bệnh rối loạn tâm lý?” và phân tích những hậu quả của hành động đó: đó là gây ảnh hưởng tiêu cực với người chơi, và bậc phụ huynh cũng sẽ có phản ứng tiêu cực như ngăn cấm, đánh đập khi con chơi nói riêng, cũng như ngành công nghiệp game nói chung.

 

Không hề kém cạnh, Minh Anh (đội phản đối) với phần phản biện sắc nét, cách trình bày gãy gọn đã nhấn mạnh việc liệt game vào một dạng bệnh rối loạn tâm lý có thể tạo ra sự thay đổi lớn: Đối với toàn xã hội, sau khi nhìn thấy việc các cá nhân sử dụng game đúng mức hơn thì xã hội sẽ dần dần thay đổi góc nhìn về game. Việc liệt game vào một bệnh rối loạn tâm lý sẽ giúp tạo động lực để người ta tìm hiểu nghiên cứu sâu hơn về chứng bệnh và đưa ra cách giải quyết. Những luận điểm này đã được đánh giá “ăn điểm” và giành trọn vẹn 30 điểm từ ban giám khảo. Ưu thế tuy đã nghiêng về phía đội phản đối nhưng cơ hội cho đội ủng hộ vẫn còn ở phía trước khi sức nóng của trận tranh biện tiếp tục được đẩy lên ở lượt thi thứ ba.

 

“Ngăn hoa bị hái bằng cách bảo hoa có độc, ngăn người vào nhà bằng cách bảo nhà có ma, ngăn người chơi game nghiện game bằng cách bảo họ có bệnh đó cũng chính là cơ chế khi WHO liệt nghiện game là một loại bệnh tâm lý”. Đó là câu mở đầu đầy tự tin của Ngọc Tuyết từ đội ủng hộ kiến nghị. Ngọc Tuyết đã tiếp tục phản bác lại luận điểm cho rằng nghiện game là một căn bệnh rối loạn tâm lý và đưa ra cái nhìn nhân văn hơn rằng: “Coi những người nghiện game là những kẻ tâm thần còn gây ra cái điều càng ngày càng xấu hơn cho xã hội, đó chính là khiến cho những người chơi game ngày càng xa cách hơn với xã hội của chính họ”. 

 

Nếu Ngọc Tuyết của đội ủng hộ sở hữu một lối phản biện sắc sảo thì Trí Dũng từ đội phản đối lại gây ấn tượng với phần chốt hạ đầy thuyết phục. Trí Dũng nhấn mạnh lại luận điểm mà đội mình đã đặt ra: gửi thông điệp đến xã hội về hiện trạng nghiện game và định hướng cách sử dụng game, WHO gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giúp mọi người thay đổi, sử dụng game đúng mức và hợp lý. Khái niệm “hồi chuông cảnh tỉnh” đã được giám khảo Chu Minh Vũ đánh giá là từ khóa tạo sức nặng cho phần tranh biện. Với những luận điểm mạnh mẽ và sắc bén, Trí Dũng đã giành 20 điểm về cho THPT Nguyễn Tất Thành (Yên Bái).

 

Ở phe phản đối Minh Anh tiếp tục nhấn mạnh: việc công nhận tính nghiêm trọng của nghiện game chính là cảnh tỉnh những người chơi game và thay đổi được cách sử dụng cũng như cái nhìn của họ. Dù điểm số đã nghiêng về đội ủng hộ rất rõ ràng, song Minh Huyền từ đội ủng hộ cũng đã có phần trình bày tự tin khi phản biện về tác dụng của “hồi chuông cảnh tỉnh” mà đội bạn đặt ra và khắc sâu luận điểm: Tầm ảnh hưởng của WHO rất lớn vậy nên xã hội sẽ có cái nhìn kỳ thị với người chơi game và ngành công nghiệp game, khẳng định giá trị đúng đắn của việc không liệt nghiện game vào danh sách các bệnh tâm lý.

Trận tranh biện kết thúc với kết quả khá chênh lệch: THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) giành được 25 điểm còn THPT Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) chiến thắng thuyết phục với 80 điểm. Đây cũng chính là điểm số chiến thắng cao nhất tính đến đầu mùa giải 2019 đến nay.

 

Kiến nghị nào sẽ xuất hiện và đội chơi nào sẽ chiến thắng trong những trận tranh biện tiếp theo? Tất cả sẽ được hé lộ trong các trận đấu tiếp theo của Trường Teen 2019 - phát sóng trên kênh VTV7 vào 11h Chủ nhật hàng tuần trên VTV7, và phát lại trên kênh Youtube VTV7.