TRANG CHỦ TIN TỨC

TRƯỜNG TEEN 2019 TRẬN 5: PHONG TRÀO CHECK-IN KHI ĐI DU LỊCH, NÊN HAY KHÔNG?

TRƯỜNG TEEN 2019 TRẬN 5: PHONG TRÀO CHECK-IN KHI ĐI DU LỊCH, NÊN HAY KHÔNG? - 13/08/2019

Tại sân chơi Trường teen 2019, hai đội thi đến từ Phổ thông Năng khiếu (TP.HCM) và TH School (Hòa Lạc, Hà Nội) đã mang đến một tranh biện gay cấn, hấp dẫn, được đáng giá là một trong những trận đấu hay nhất vòng loại với kiến nghị: Chúng tôi phản đối phong trào check-in khi đi du lịch.

 

Mỗi khi đi du lịch hoặc thám hiểm một địa điểm mới, bạn có thường check-in ngay bằng một bức ảnh đẹp trên mạng xã hội? 

Check-in khi đi du lịch bằng cách chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, để lại lưu bút, dấu chân hay bút tích,... từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người trong xã hội ngày nay. Đặc biệt, với sự phát triển “thần tốc” của mạng xã hội cùng các thiết bị điện tử như smartphone, ipad,.. những trào lưu và phong trào check-in khi đi du lịch đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. 

 

Tuy phát triển là như vậy, nhưng ít ai biết phong trào này đã và đang mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho tài nguyên và môi trường cùng nhiều hệ lụy khác. Trước khi quyết định nên hay không nên đi theo phong trào check-in, hãy cùng theo dõi trận tranh biện cực kỳ căng thẳng tuần này của Trường Teen 2019 với kiến nghị: “Chúng tôi phản đối phong trào check-in khi đi du lịch”. Đứng ở vị trí của đội ủng hộ là ba thí sinh đến từ Phổ thông Năng khiếu (TP. Hồ Chí Minh), còn TH School (Hòa Lạc, Hà Nội) là đội phản đối kiến nghị.

 

Trận đấu đã được “làm nóng” ngay lập tức bởi phần mở màn ấn tượng, thu hút từ thí sinh nữ của hai đội. Với phong thái nhẹ nhàng nhưng sắc sảo, cả Tố Uyên (Phổ thông Năng khiếu, TP. HCM) lẫn Xuân Ngân (TH School, Hòa Lạc, Hà Nội) đều có phần thể hiện tốt và nhận được nhiều like từ giám khảo.

 

“Nếu như nói du lịch chính là một cánh đồng hoa rực rỡ thì phong trào check-in chính là ngọn lửa đang thiêu rụi tất cả những vẻ đẹp của nó.” Đây chính là câu mở đầu đầy ấn tượng của Tố Uyên đến từ đội ủng hộ kiến nghị. Bằng lập luận chặt chẽ, cấu trúc rõ ràng, Tố Uyên đã nêu lên định nghĩa của phong trào check-in, chỉ ra những mặt hại của việc check-in: họ có thể làm điều nguy hiểm, giật gân nhằm gây sự chú ý, từ đó hình thành lối du lịch thờ ơ, vô cảm, đồng thời khẳng định mục tiêu xây dựng một nền du lịch hiệu quả và bền vững của đội mình. 

Tố Uyên ...

 

Còn ở phía đội đối thủ, Xuân Ngân cũng không hề thua kém nhờ loạt luận điểm độc đáo và giọng nói ấn tượng, êm tai. Bằng việc đi từ câu chuyện du lịch của cá nhân, cùng những ví dụ thực tế về điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam, Xuân Ngân đã chỉ ra lợi ích của phong trào: Check-in như một con dấu thị thực trong hộ chiếu thanh xuân của bạn, thời gian đi qua, nhưng hành trình và trải nghiệm của bạn vẫn còn lại trong những chiếc ảnh check in”, đặc biệt là câu kết ấn tượng Check-in dù nó trở thành phong trào đi nữa thì nó không ảnh hưởng đến ai và check in mà nó nằm ở sự lựa chọn của các bạn nó nằm ở quyền của các bạn có muốn chia sẻ hay không. Tuy chỉ dành được 10 điểm từ Ban giám khảo, nhưng với 3 phút trình bày, Xuân Ngân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với khán giả.

và Xuân Ngân đã tạo nên một lượt tranh biện hấp dẫn nhưng lại rất "dịu dàng" khiến khán giả đau đầu không biết nên về team ai!

 

Ở lượt thi thứ hai, tiếp nối những luận điểm của Tố Uyên, Khánh Trang của đội ủng hộ tiếp tục khai thác sâu hơn về mặt trái của phong trào check-in, là phá hủy những giá trị bền vững và lâu đời của ngành du lịch: “Những việc phát sinh từ phong trào này sẽ để lại hậu quả lâu dài bởi vì thứ nhất, ảnh hưởng tới giá trị văn hóa và thứ hai là ảnh hưởng đến hệ sinh thái.” dựa trên những dẫn chứng về xả rác bừa bãi, lượt khách quá tải tại một khu du lịch ở Thái Lan.

Khánh Trang từ đội ủng hộ tiếp tục phát triển luận điểm của người trước.

 

Còn Nhật Huy từ đội phản đối lại tập trung phản biện bằng cách đưa ra ví dụ về tính thiểu số của việc mạo hiểm của check-in và liên hệ việc review và check in đến lợi ích kinh tế mà phong trào này mang lại: Phong trào check in đã tạo ra một hình thức PR mới qua mạng XH mà qua đó cung cấp thông tin cho những người chưa có khả năng đến địa điểm ấy được”

Nhật Huy cũng không hề kém cạnh khi giành được 20 điểm của lượt đấu.

 

Sau lượt tranh biện thứ 2, thế trận đã trở về thế cân bằng và mọi sự chú ý đổ dồn vào lượt ba đầy gay cấn. Trong lượt này, cả hai thí sinh nam đều nhận được cơn mưa lời khen từ ban giám khảo bởi loạt ví dụ gần gũi, mang tính thời sự, thể hiện được vốn kiến thức sâu rộng.

Phía đội ủng hộ, Vĩnh Thụy được đánh giá cao bởi và cách khai thác ví dụ sâu sắc, phản biện đi vào đúng và trúng vấn đề. “Sở thích cá nhân hay giá trị cộng đồng cái nào thực sự quan trọng hơn? Trong một giây phút tôi muốn chụp một bức ảnh, tôi có thể phá bỏ những giá trị cộng đồng, những giá trị văn hóa, tôi có thể làm bể một bức tượng 126 năm tuổi ở Ấn Độ để chụp một bức ảnh. Tôi có thể vận một bộ đồ không phù hợp. Tôi có thể bận quần ngắn để chụp ở những nơi linh thiêng để chụp ở những nơi chùa chiền, để sao? Chúng tôi tin rằng, có nhiều cách để bạn quảng bá du lịch, để bạn truyền tải những thông điệp đúng về du lịch cho người khác và check in không phải là cách bền vững và hiệu quả nhất”. Với phần trình bày sắc bén này, Vĩnh Thụy đã đưa đội ủng hộ vươn dẫn trước với 20 điểm từ giám khảo Minh Vũ Tố Uyên.

Vĩnh Thụy với màn giành điểm về cho đội mình cực xuát sắc.

 

Còn ở đội phản đối, Minh Khôi lại được giám khảo Chí Hiếu khen ngợi bởi tư duy tranh biện sáng tạo, tinh tế: bảo vệ được luận điểm của mình nhưng không hạ đội bạn xuống, nhanh nhạy trong việc đưa ra những phản biện sắc bén: Phong trào check in ở đây đã hoàn thành việc của nó, nó quảng bá thêm sự nổi tiếng cho khu vực ấy. Các hoạt động phát sinh tại các điểm du lịch là một cách để các nhà quản lý khai thác tiềm năng mà phong trào check in đã mang đến. Việc hỗn loạn từ nơi du lịch không hoàn toàn là lỗi của những người tham gia mà từ chính những người quản lý. 10 điểm chính là điểm số mà MInh Khôi đã mang về cho đội phản đối trong lượt này.

Minh Khôi (TH School) với phong thái đĩnh đạc và điềm tĩnh cũng để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.

 

Không khí trận tranh biện càng trở nên căng thẳng hơn ở lượt phản hồi - lượt thi cuối cùng. Trong khi Xuân Ngân nhấn mạnh lợi ích của phong trào check in: “Check in là quyền của mỗi con người. Mà là quyền của mỗi con người thì làm sao chúng ta có quyền phản đối điều đó”, thì Tố Uyên lại mạnh mẽ khẳng định tầm nhìn sâu rộng, lâu dài của check-in khi đi du lịch. “Phong trào không phải là câu chuyện của một cá nhân, cũng như phát triển du lịch không phải là một câu chuyện của nhất thời. Thế giới của các bạn có thể phát triển cực nhanh nhưng 5 năm nữa, với những cái hại và những xu hướng mà chúng tôi đã chứng minh được trong trận tranh biện này, liệu lúc đó có còn cái gì để các bạn tiếp tục quảng bá, tiếp tục phát triển hay không?” Chính 2 phút cuối cùng với loạt luận điểm đanh thép này của Tố Uyên đã mang về trọn 15 điểm cho đội ủng hộ, đưa đội Phổ thông Năng khiếu đi thẳng vào vòng trong.

 

Vậy là trận đấu vòng loại thứ 5 đã kết thúc với màn rượt đuổi tỉ số gắt gao từ hai đội. Đây cũng là một trong số những trận đấu ở vòng loại hấp dẫn và kịch tính nhất, khi các cá nhân từ 2 đội đều được đánh giá cao và phần thể hiện của 2 đội đều vô cùng ngang tài ngang sức.

 

Trong tuần tới, kiến nghị nào sẽ xuất hiện và đội chơi nào sẽ chiến thắng trong những trận tranh biện tiếp theo? Tất cả sẽ được hé lộ trong Trường Teen 2019 - phát sóng vào 11h Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV7, phát lại trên kênh Youtube VTV7.