Series Phim tài liệu Đặc biệt dành cho các thầy cô giáo - 11/12/2017
Tập 6 "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" đã cho khán giả thấy được hành trình "lột xác" của cô Hiền Lương - người từng khiến các học trò run sợ chỉ bằng một... ánh nhìn.
Series gây tiếng vang của Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (VTV7) - Thầy cô chúng ta đã thay đổi - đã tiếp tục mang đến cho khán giả một tập phim nhiều ý nghĩa với sự tham gia của cô Nguyễn Thị Hiền Lương, 32 tuổi, giáo viên Ngữ văn trường THCS Thăng Long, Hà Nội. Tự nhận mình là một "good teacher" (giáo viên tốt), cô Hiền Lương cho biết mục đích của cô khi tham gia chương trình là để trở thành một "better teacher" (giáo viên tốt hơn). Cô muốn truyền tải kiến thức tới học sinh một cách hiệu quả hơn, muốn được gần gũi hơn với các học trò nhỏ của mình.
Cuối tháng 11/2016, ê-kíp Thầy cô chúng ta đã thay đổi đã đến trường THCS Thăng Long, Hà Nội để lắp đặt máy quay. Lớp học của cô Hiền Lương lần đầu tiên được công bố với mọi người. Qua những phút ban đầu, dễ dàng nhận thấy cô Hiền Lương rất say mê, tận tình với bài giảng của mình, học sinh trong lớp cũng chăm chú lắng nghe và hiểu rõ tình cảm cô giáo dành cho mình.
Ban cố vấn đánh giá cao phong thái tự tin, sự tận tụy, đam mê của cô với công việc giảng dạy cũng như cách cô chăm sóc tận tình cho từng em học sinh. Nhìn cô Hiền Lương, họ thấy hình ảnh của một người mẹ hiền, một người mẹ thứ hai của các học sinh khi đến trường. Tuy nhiên, khi xem đến đoạn video tiếp theo, ban cố vấn đã nhận ra những vấn đề của cô Hiền Lương.
Trong một giờ học, cô Hiền Lương yêu cầu mỗi tổ trưởng đọc công khai lỗi sai của các bạn. Những học sinh vi phạm lần lượt bị yêu cầu đứng dậy và hứng trọn cái nhìn "hình viên đạn" của cô giáo. Ban cố vấn hiểu rằng cô Hiền Lương quát mắng, chỉ trích học trò cũng chỉ vì muốn các con tốt hơn song hành động đó của cô vô tình khiến học sinh cảm thấy sợ hãi hay thậm chí là xấu hổ. "Muốn học sinh tốt hơn bằng cách này liệu có nhân văn?" - câu hỏi của ban cố vấn khiến cô Hiền Lương phải suy nghĩ.
Một tình huống tiếp theo được đưa ra khiến cả ban cố vấn lẫn cô Hiền Lương phải "chau mày". Trong giờ sinh hoạt lớp, cô giáo đã mạnh mẽ phê bình một em học sinh vì không mặc áo khoác đồng phục theo quy định. Khi có tiếng ồn, cô lườm nguýt và to tiếng quát tháo. Không khí lớp học trở nên căng thẳng, trên vẻ mặt các em học sinh hiện rõ sự sợ hãi. Trong một giờ sinh hoạt lớp khác, một em học sinh giàn giụa nước mắt trình bày với cô việc bị hạ hạnh kiểm do bị ghi tên vào sổ đầu bài hơn 2 lần. Tuy nhiên, cô Hiền Lương dường như không hề quan tâm tới cậu bé mà vẫn tiếp tục phê bình. Mong muốn được trở thành người mẹ thứ 2 của các con nhưng đã có những lúc cô Hiền Lương vô tình khiến chính học trò nhỏ của mình bị tổn thương sâu sắc.
Để giúp cô Hiền Lương từng bước thay đổi, ban cố vấn đã giao cho cô nhiệm vụ đầu tiên: "Hãy luyện tập để có một nụ cười thật xinh đẹp". Mục đích của nhiệm vụ này là muốn cô Hiền Lương biết được thái độ của các con khi cô mỉm cười thay vì giận dữ quát mắng. Nhiệm vụ tiếp theo mà cô giáo nhận được là "Không phê bình học sinh trong mọi tình huống". Ban cố vấn cho rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi những biểu cảm, hành vi thường ngày của mỗi người đã trở thành một thói quen, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
Là giáo viên đầu tiên phải thực hiện cả hai nhiệm vụ một lúc, cô Hiền Lương không giấu nổi sự lo lắng. Tiết học bắt đầu như thường lệ. Dù có một bạn học sinh phân tâm trong giờ học, không chịu ghi chép bài nhưng cô đã kiềm chế được cơn giận dữ và nhẹ nhàng bảo học trò mượn vở bạn khác để ghi chép đầy đủ. Các học sinh nhanh chóng nhận ra sự thay đổi đáng kể của cô Hiền Lương. Các em thấy vui vì trong tiết học, cô cười nhiều hơn, ít nổi nóng hơn nên việc truyền đạt kiến thức dường như hiệu quả hơn gấp bội.
Những giờ học tiếp theo, nụ cười luôn thường trực trên môi cô Hiền Lương. Cô năng nổ tương tác với các học sinh, thậm chí, còn có những cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm với các em như một người mẹ hiền. Giờ học của cô ngập tràn tiếng cười và sự hứng khởi, hăng say học tập. Không biết từ lúc nào, nụ cười đã không còn là một nhiệm vụ đối với cô Hiền Lương.